Viết phương trình tiếp tuyến tại một điểm thuộc đồ thị Bài toán 1: Cho hàm số $y = f(x)$ có đồ thị $(C)$ và điểm ${M_0}\left( {{x_0};{y_0}} \right) \in (C).$ Viết phương trình tiếp tuyến của đồ thị $(C)$ tại điểm ${M_0}\left( {{x_0};{y_0}} \right) \in (C).$ Phương pháp giải: + Tiếp tuyến tại một điểm ${M_0}\left( {{x_0};{y_0}} \right) \in (C)$ có hệ số góc là $f'({x_0}).$ + Phương trình tiếp tuyến của đồ thị hàm số $y = f(x)$ tại điểm ${M_0}\left( {{x_0};{y_0}} \right)$ có dạng: $y – {y_0} = f'({x_0})(x – {x_0})$ hay $y – f({x_0}) = f'({x_0})(x – {x_0}).$ Ví dụ 1: Cho hàm số $y = x^3 – 6x^2 + 9x$ có đồ thị $(C)$. Hãy viết phương trình tiếp tuyến tại điểm $M(2;2) \in (C).$ Ta có: $y’=3x^2 – 12x + 9.$ Với: $x = 2$; $y = 2$ và $y'(2) = -3.$ Phương trình tiếp tuyến với đồ thị $(C)$ tại điểm $A(2;2)$ là: $y = – 3(x – 2) + 2$ hay $y = – 3x + 8.$ Ví dụ 2: Cho hàm số $y = 2 + 3x – x^3$ có đồ thị $(C).$ Hãy viết phương trình tiếp tuyến tại điểm uốn của đồ thị. Ta có: $y’ = 3 – 3{x^2}.$ $y” = – 6x.$ $y” = 0 \Leftrightarrow x = 0.$ Suy ra toạ độ điểm uốn là $(0;2).$ $y'(0) = 3.$ Vậy phương trình tiếp tuyến của đồ thị hàm số tại điểm uốn là: $y = 3(x – 0) + 2$ hay $y = 3x + 2.$ Bài toán 2: Viết phương trình tiếp tuyến của đồ thị hàm số $y = f(x)$ tại điểm có hoành độ $x = x_0$ (hoặc $y = y_0$). Phương pháp giải: + Với $x = x_0 ⇒ y = f(x_0).$ + Phương trình tiếp tuyến của đồ thị hàm số $y = f(x)$ tại điểm có hoành độ $x = x_0$ có dạng: $y = f'(x_0)(x – x_0) + y_0 .$ Áp dụng tương tự với tiếp tuyến của đồ thị hàm số tại điểm có tung độ $y = y_0 .$ Ví dụ 3: Cho hàm số $y = {x^3} + 3{x^2} – 1$ có đồ thị $(C).$ Viết phương trình tiếp tuyến của đồ thị $(C)$ tại điểm có hoành độ $-1.$ Hoành độ tiếp điểm là $x = – 1$ nên tung độ tiếp điểm là $y = 1.$ $y’ = 3{x^2} + 6x \Rightarrow y'( – 1) = – 3.$ Phương trình tiếp tuyến của đồ thị hàm số tại $(-1;1)$ là: $y = – 3(x + 1) + 1$ hay $y = – 3x – 2.$ Ví dụ 4: Cho hàm số $y = \frac{{3{\rm{x}} + 1}}{{1 – x}}$ có đồ thị $(C)$. Viết phương trình tiếp tuyến của $(C)$ tại điểm có tung độ $–7.$ Với $y_0 = -7$, ta có: $-7 = \frac{{3{\rm{x_0}} + 1}}{{1 – x_0}}$ $⇔x_0 = 2.$ $y’ = \frac{4}{{{{(1 – x)}^2}}} \Rightarrow y'(2) = 4.$ Vậy phương trình tiếp tuyến của đồ thị hàm số tại $(2;-7)$ là: $y = 4(x – 2) – 7$ hay $y = 4x – 15.$ Viết phương trình tiếp tuyến của đồ thị biết hệ số góc cho trước Bài toán 3: Cho hàm số $y = f(x)$ có đồ thị $(C)$ và một số $k \in R.$ Viết phương trình tiếp tuyến của đồ thị $(C)$ có hệ số góc $k.$ Phương pháp giải: Cách 1: Phương pháp tìm tiếp điểm: + Giả sử tiếp tuyến có hệ số góc $k$ tiếp xúc với $(C)$ tại điểm có hoành độ ${x_i}$ $ \Rightarrow f'({x_i}) = k \Rightarrow x = {x_i}$ là nghiệm của phương trình $f'(x) = k.$ + Giải phương trình $f'(x) = k$, suy ra nghiệm $x = \left\{ {{x_0},{x_1},…{x_n}} \right\},n \in {Z^ + }.$ + Phương trình tiếp tuyến tại ${x_i}$ là: $y = k(x – {x_i}) + f({x_i}).$ Cách 2: Phương pháp điều kiện kép: Xét đường thẳng có hệ số góc $k$ có phương trình $y = kx + m$ ($m$ là ẩn) tiếp xúc với đồ thị $(C)$: $y = f(x).$ Khi đó ta có phương trình $kx + m = f(x)$ có nghiệm kép. Áp dụng điều kiện để phương trình có nghiệm kép, suy ra được $m$. Từ đó suy ra phương trình tiếp tuyến cần tìm. Nhận xét: Vì điều kiện $({C_1}):y = f(x)$ và $({C_2}):y = g(x)$ tiếp xúc nhau là hệ điều kiện $\left\{ \begin{array}{l} f(x) = g(x)\\ f'(x) = g'(x) \end{array} \right.$ có nghiệm kép chứ không phải điều kiện phương trình $f(x) = g(x)$ có nghiệm kép nên cách 2 chỉ sử dụng được cho các dạng hàm số $y = f(x)$ mà phương trình tương giao $kx + m = f(x)$ có thể biến đổi tương đương về một phương trình bậc 2 (khi đó điều kiện để có nghiệm kép là ${\Delta _m} = 0$). Chú ý: Ta có các dạng biểu diễn của hệ số góc $k$ như sau: + Dạng trực tiếp. + Tiếp tuyến tạo với chiều dương $Ox$ góc $\alpha $ khi đó hệ số góc $k = \tan \alpha .$ + Tiếp tuyến song song với đường thẳng $y = {\rm{ax + b}}$, khi đó hệ số góc $k = a.$ + Tiếp tuyến vuông góc với đường thẳng $y = {\rm{ax + b}}$, khi đó $ka = – 1 \Rightarrow k = – \frac{1}{a}.$ + Tiếp tuyến tạo với đường thẳng $y = {\rm{ax + b}}$ một góc $\alpha $, khi đó: $\left| {\frac{{k – a}}{{1 + ka}}} \right| = \tan \alpha .$ Ví dụ 5: Cho hàm số $y = x^3 – 3x^2$ có đồ thị $(C).$ Viết phương trình tiếp tuyến của đồ thị $(C)$ biết hệ số góc của tiếp tuyến $k = -3.$ Ta có: $y’ = 3x^2 – 6x.$ Do hệ số góc của tiếp tuyến là $k = -3$ nên: $3x^2 – 6x = -3$ $⇔ x = 1.$ Với $x = 1 ⇒ y = -2.$ Phương trình tiếp tuyến cần tìm là: $y = -3(x – 1) – 2$ $⇔ y = -3x + 1.$ Ví dụ 6: Viết phương trình tiếp tuyến của đồ thị hàm số $y = x^3 – 3x^2 + 1$ $(C).$ Biết tiếp tuyến đó song song với đường thẳng $y = 9x + 2009.$ Ta có: $y’ = 3x^2 – 6x.$ Do tiếp tuyến đó song song với đường thẳng $y = 9x + 2009$ nên tiếp tuyến có hệ số góc $k = 9$ $⇔3x^2 – 6x = 9$ $⇔x = -1$ hoặc $x = 3.$ + Với $x = -1 ⇒ y = -3.$ Phương trình tiếp tuyến của $(C)$ tại $x = -1$ là: $y = 9(x + 1) – 3$ $⇔ y = 9x + 6.$ + Với $x = 3 ⇒ y = 1.$ Phương trình tiếp tuyến của $(C)$ tại $x = 3$ là: $y = 9(x – 3) + 1$ $⇔y = 9x – 26.$ Vậy $(C)$ có hai tiếp tuyến song song với đường thẳng $y = 9x + 2009$ là: $y = 9x + 6$ và $y = 9x – 26.$ Ví dụ 7: Cho hàm số $y = x^3 – 3x + 2$ có đồ thị $(C).$ Viết phương trình tiếp tuyến của $(C)$ biết tiếp tuyến đó vuông góc với đường thẳng $y = \frac {-1}{9}x.$ Ta có: $y’ = 3x^2 – 3.$ Do tiếp tuyến của $(C)$ vuông góc với đường thẳng $y = \frac {-1}{9}x$ nên hệ số góc của tiếp tuyến $k = 9$ $⇔3x^2 – 3 = 9$ $⇔x = ±2.$ + Với $x = 2 ⇒ y = 4.$ Phương trình tiếp tuyến tại $x = 2$ là: $y = 9(x – 2) + 4$ $⇔y = 9x – 14.$ + Với $x = -2 ⇒ y = 0.$ Phương trình tiếp tuyến tại $x = -2$ là: $y = 9(x + 2) + 0$ $⇔y = 9x + 18.$ Vậy $(C)$ có hai tiếp tuyến vuông góc với đường thẳng $y = \frac {-1}{9}x$ là: $y = 9x – 14$ và $y = 9x + 18.$ Viết phương trình tiếp tuyến của đồ thị biết tiếp tuyến đi qua một điểm cho trước Bài toán 4: Cho hàm số $y = f(x)$ có đồ thị $(C)$ và điểm $A\left( {{x_A};{y_A}} \right)$ cho trước. Viết phương trình tiếp tuyến của đồ thị $(C)$ qua $A$ đến đồ thị $(C).$ Phương pháp giải: Cách 1: Thực hiện theo các bước: + Đường thẳng $d$ đi qua điểm $A\left( {{x_A};{y_A}} \right)$ có phương trình: $d: y = k(x – {x_A}) + {y_A}.$ + $d$ tiếp xúc với $(C)$ khi và chỉ khi hệ sau có nghiệm: $\left\{ \begin{array}{l} f(x) = k(x – {x_A}) + {y_A}\\ f'(x) = k \end{array} \right.$ $ \Leftrightarrow \left\{ \begin{array}{l} f(x) = f'(x)(x – {x_A}) + {y_A}\\ f'(x) = k \end{array} \right.$ $ \Rightarrow k.$ + Kết luận về tiếp tuyến $d.$ Cách 2: Thực hiện theo các bước: + Giả sử tiếp điểm là $M({x_0};{y_0})$ khi đó phương trình tiếp tuyến có dạng $d$: $y = y'({x_0})(x – {x_0}) + {y_0}.$ + Điểm $A\left( {{x_A};{y_A}} \right) \in d$, ta được ${y_A} = y'({x_0})({x_A} – {x_0}) + {y_0}$ $ \Rightarrow {x_0}.$ Ví dụ 8: Cho hàm số $(C)$: $y = \frac {1}{3}x^3 – x^2.$ Hãy viết phương trình tiếp tuyến của đồ thị $(C)$ đi qua điểm $A(3;0).$ Ta có: $y’= x^2 – 2x.$ Gọi đường thẳng qua $A(3;0)$ có hệ số góc $k$ → Phương trình có dạng: $y = k.(x – 3) + 0.$ Để đường thẳng là tiếp tuyến của đồ thị hàm số thì: $\left\{ \begin{array}{l} \frac{1}{3}{x^3} – {x^2} = k(x – 3)\\ k = {x^2} – 2x \end{array} \right.$ có nghiệm. Thay (2) vào (1) ta có: $\frac{1}{3}{x^3} – {x^2} = ({x^2} – 2x)(x – 3)$ $⇔ x = 0$ và $x = 3.$ + Với $x = 0$ $⇒ k = 0.$ Phương trình tiếp tuyến: $y = 0.$ + Với $x = 3$ $⇒ k = 3.$ Phương trình tiếp tuyến: $y = 3.(x – 3) = 3x – 9.$ Vậy có hai phương trình tiếp tuyến đi qua $A(3;0)$ là: $y = 0$ và $y = 3x – 9.$